Review và hướng dẫn du lịch Kazakhstan

Review và hướng dẫn du lịch Kazakhstan


🇰🇿

Mình vừa kết thúc hành trình lần thứ 2 đi du lịch tự túc tại Kazakhstan nên muốn chia sẻ với mọi người một bài hướng dẫn thật đầy đủ để tự tin đi du lịch ở Kazakhstan (viết tắt là KZ).

🇰🇿 Thời điểm thích hợp đi Kazakhstan

Thời gian đẹp nhất là mùa xuân từ tháng 4 tới đầu tháng 6 hoặc mùa thu từ tháng 9 tới cuối tháng 10. Ngoài ra có thể tới đây vào mùa đông để trượt tuyết, khu vực này có nhiều địa điểm trượt tuyết rất đẹp, tuyết mịn xốp và giá cả rất hợp lý, chỉ khoảng >500k cho 1-day lift pass. Chú ý một số khu vực và đường núi sẽ đóng cửa vào mùa đông ví dụ như ở hồ Songkul các khu lều Yurt sẽ đóng từ cuối tháng 9, vậy nên đi từ giữa tháng 10 dù ngắm được lá vàng lá đỏ nhưng lại bị hạn chế việc đi chơi và di chuyển, cái này mình nghĩ phải xác định đánh đổi thôi. Khu vực này có tới 300 ngày nắng trong năm nên khi đi tới đây chú ý mang các đồ che nắng.

🏔️ Visa và máy bay

Hiện tại người VN được miễn visa vào Kazakhstan, đây là 1 trong 2 nước Trung Á duy nhất miễn visa cho hộ chiếu phổ thông của Việt Nam.

Để bay từ VN qua KZ thì chủ yếu mọi người sẽ bay Air Asia transit tại Kuala Lumpur hoặc bay Vietjet tới New Delhi rồi nối chuyến đi Almaty bằng Indigo hoặc Air Astana (hãng hàng không Kazakhstan đồ ăn ngon dịch vụ tốt), transit tại Ấn Độ thì sẽ rẻ hơn nhưng lại mất thêm tiền xin evisa Ấn Độ. Nếu tài chính dư dả thì các bạn có thể tìm chuyến bay charter thẳng từ Nha Trang tới Almaty, vé những chuyến này thường đắt gấp đôi gấp ba các chuyến transit đặc biệt vào mùa cao điểm. 

🇰🇿 Sim và đổi tiền

Ngay tại sân bay Almaty có chỗ đổi tiền và mua sim. Almaty là một trong những nơi hiếm hoi mà mình thấy đổi tiền tại sân bay ko bị thiệt nhiều so với trong thành phố, tỉ giá chênh lệch khoảng 1% so với thị trường vậy nên có thể mạnh dạn đổi nhiều tiền ở đây để đem đi tiêu.

Sau khi đổi tiền thì có thể mua sim ở quầy bên cạnh, các gói sim cho khách du lịch tại sân bay giá cả cũng tương tự so với mua ở trong thành phố. Các nhà mạng lớn nhất bao gồm Tele2, Beeline, Altel (cũng thuộc Tele2), Activ. Nếu muốn tiết kiệm có thể chọn Tele2 hoặc Altel, gói rẻ nhất có 30GB dùng trong 30 ngày giá khoảng 250k VNĐ, nếu nhu cầu sử dụng cao bạn có thể chi thêm 60k để mua unlimited data để vào các MXH như youtube, facebook, insta. Beeline là đắt nhất nhưng phủ sóng cũng rộng nhất, nhiều khu vực rừng núi các mạng khác mất sóng nhưng Beeline vẫn có sóng. Gói 6GB ở Beeline giá khoảng 250k và unlimited là 650k. Nếu các bạn đi nhóm đông thì có thể để 1 người mua Beeline và phát mạng cho cả nhóm khi đi hiking ở những vùng xa xôi.

🏔️ Chi phí, đi lại

Chi phí ở KZ khá phải chăng. Một số dịch vụ giá cả tương đồng hoặc đắt hơn ở VN một chút xíu. Người dân ở đây hầu hết đều dùng ví điện tử tên là Kaspi để trả tiền nhưng tiền mặt vẫn rất phổ biến và được chấp nhận ở mọi nơi.

Để xem bản đồ thì các bạn có thể dùng Google Map hoặc tải app 2GIS, 2GIS là app bản đồ của KZ, tất cả các thông tin trên map đều rất chi tiết, chẳng hạn chờ xe bus thì gõ số xe bus mình đi nó sẽ hiện luôn xe bus đó đã đi tới đâu trên app.

Kazakhstan kế thừa hệ thống GTCC thời Liên Xô nên đi lại trong thành phố bằng xe metro hoặc bus rất thuận tiện. Vé metro là 120kzt (6k VNĐ), vé bus là 100-200kzt. Người KZ bây giờ hầu hết đều dùng Kaspi để trả tiền vé nên tài xe thường ko có tiền trả lại nếu bạn đưa tiền mệnh giá to. Để trả tiền đi bus thì có thể trả bằng xu lẻ (chuẩn bị sẵn) hoặc trả bằng tiền có sẵn trong sim để nhắn tin mua vé, mỗi xe bus đều có mã số gắn trên cửa xe, lên xe nhắn tin gồm mã xe là tự động trừ tiền.

📍Nếu muốn đi taxi công nghệ thì các bạn có thể tải app Yandex Go. Để đăng kí app này thì phải có sim KZ, mình thử đăng kí bằng sim VN nhưng ko nhận được OTP. Ở sân bay đổi tiền và mua sim xong là có thể đăng ký để gọi xe về thành phố. Vì dân ở đây đều dùng ví điện tử nên tài xế taxi cũng rất ít khi có tiền trả lại cho bạn, vì vậy ngay khi chưa gọi xe bạn nên thêm thẻ thanh toán vào Yandex để trả tiền bằng thẻ, các thẻ debit hoặc credit Visa hoặc Master được phát hành ở Việt Nam đều có thể dùng được. Có thẻ của Techcombank thì sau vài lần thanh toán app báo lỗi, thẻ Vietin và BIDV thì dùng ko gặp vấn đề gì. Dù KZ là nước xuất khẩu dầu nhưng giá taxi mình thấy cũng chỉ rẻ hơn VN chút xíu.

🇰🇿 Ăn uống, chỗ ở

Đồ ăn thì tùy gu mỗi người nên mình sẽ ko nói nhiều. Người KZ chủ yếu là đạo Hồi nên họ ko ăn thịt lợn, các món ăn đều được chế biến bằng thịt cừu, thịt dê hoặc thịt bò nên có một mùi hôi hôi của thịt cừu rất đặc trưng có thể sẽ khó ăn với một số người VN. Các món ăn truyền thống dễ ăn đối với người VN nên thử như Plov/Pilaf là món cơm của người dân du mục hơi nhiều dầu mỡ. Beshbarmak món mì khô ăn kèm thịt rất ngon và dễ ăn. Manti món há cảo, Kespe món súp truyền thống rất ngon, mì Lagman là món mì Tân Cương trộn thịt và gia vị, và tất nhiên là ko thể thiếu thịt xiên nướng Shashlyk. Giá ăn nhà hàng ở Almaty ko quá đắt, tầm khoảng 150-200k/người là có thể ăn ngon miệng rồi.

Chỗ ở tại Kazakhstan thì mình thấy đắt nhất trong cả khu vực Trung Á. Tại thành phố lớn giá thuê 1 căn hộ ở trung tâm khoảng 900k/đêm, tại làng Saty thì ở nhà nghỉ hay lều Yurt đều khoảng 450k/người/đêm bao gồm ăn sáng và ăn tối, đắt khoảng gấp rưỡi so với lần trước mình tới đây. Các guesthouse ở đây khi bạn thuê thì bao giờ cũng sẽ có một bữa sáng rất đầy đủ bao gồm bánh mì, bơ, mứt, trà và 1-2 món nóng như cháo sữa, mì, cơm. Một số nơi còn có cả bữa tối, các bạn nên hỏi kĩ trước khi chốt.

🏔️ Đi chơi đâu tại Kazakhstan

Almaty là thủ đô cũ và là thành phố lớn nhất KZ, cũng là điểm khởi đầu để đi du ngoạn các khu vực nổi tiếng đẹp ở gần đó. Tại Almaty thì các bạn có thể đi cáp treo lên Kok-tobe ngắm hoàng hôn, chú ý là các bạn chỉ cần mua vé cáp treo 1 chiều lên, khi trời đã tối có thể đi dạo bộ xuống núi, đường xuống thoải và thoáng mát, đi khoảng 10 phút là có thể bắt bus số 95 về thành phố. Cách này tiết kiệm vé cáp treo chiều về (khoảng 150k/vé) và buổi tối ngồi cáp treo tối om cũng ko thấy gì cả.

Ngoại ô Almaty còn có Big Almaty Lake, hồ rất đẹp cách TP khoảng 1 giờ lái xe. Trước đây khi mình tới đây có thể lái xe tới thẳng bờ hồ nhưng bây giờ thì thấy bảo đã dựng rào chắn từ xa nên phải đi bộ vào trong khoảng 2 tiếng mới tới được hồ.

📌 Tuyến du lịch phổ biến nhất với dân VN là khu vực cách Almaty 4 tiếng lái xe về phía đông. Hẻm núi Charyn Canyon, hẻm núi lớn thứ hai thế giới chỉ sau Grand Canyon ở Mỹ. Đi tiếp 1 tiếng nữa là tới khu vực hồ Kaindy và Kolsai, 2 hồ nổi tiếng đẹp và độc đáo ở đây. Hồ Kolsai thì có hồ Kolsai 1 và Kolsai 2. Hồ Kolsai 2 ở sâu trong núi, muốn đi vào thì có thể hiking khoảng 4 tiếng hoặc cưỡi ngựa theo người dẫn vào, giá đi ngựa gần 1 triệu đồng/ người. Nếu đã tới Kolsai thì nên tới hồ Kolsai 2 vì cảnh ở đây đẹp và hoang sơ hơn Kolsai 1 rất nhiều. Cách đây 5 năm khi mình đi Trung Á thì hồ Kolsai 1 còn hoang sơ, nhưng tới nay thì 2 bên hồ đã bắt đầu xây dựng nhiều khi nhà nghỉ, bungalow. Vào tới khu vực phía trong hồ Kolsai thì chỉ có Beeline là có sóng nhưng ở làng Saty gần đó thì các nhà mạng đều có 4G. Để đi tới đây thì các bạn chỉ có thể thuê land tour hoặc thuê xe tự lái, đường từ Almaty tới Saty có cao tốc và rất vắng vẻ, chạy xe rất sướng và cũng ko có CSGT trên đường.

Ngoài Almaty thì KZ còn có 2 nơi nữa đáng đi nếu có thời gian là thủ đô Astana (còn có tên là Nur-sultan) và tp Shymkent. Astana là tp được quy hoạch thành thủ đô mới đây nên có nhiều công trình kiến trúc rất hoành tráng và độc đáo. Shymkent và Turkistan ở gần đó là 2 thành phố giàu lịch sử và văn hóa, được coi là thủ đô tinh thần của các dân tộc người Đột Quyết trên khắp thế giới, chứa đựng một kho tàng văn hóa lịch sử về người dân du mục sống trên đại thảo nguyên Á Âu suốt nhiều ngàn năm nay và con đường tơ lụa nổi tiếng đi qua đây.

Vé máy bay nội địa KZ mình thấy rất rẻ, bay 2 tiếng bằng khoảng cách giữa HN và SG nhưng giá vé chỉ trong khoảng 900k-1.2tr nếu đặt trước 2 tuần.

🇰🇿 Người dân, văn hóa, ngôn ngữ

Người dân KZ vô cùng dễ mến và thân thiện đối với du khách, nếu bạn gặp bất cứ vấn đề gì trên đường cũng sẽ được hỗ trợ nhiệt tình cho dù họ có ko hiểu bạn nói gì. Cũng vì họ rất mến khách nên rất nhiều bạn trẻ phương Tây có thể đi du lịch Trung Á cả mấy tháng trời mà ko mất đồng tiền di chuyển nào, chỉ cần ra đường giơ tay lên vẫy là kiểu gì cũng có người cho đi nhờ.

Ngoài tiếng Kazakh bản địa thì tiếng Nga cũng được sử dụng rất phổ biến, một số bạn trẻ cũng có thể nói được tiếng Anh. Mọi rào cản ngôn ngữ đều có thể vượt qua bằng các app translate rất dễ dàng.

❤️ Người dân Đột Quyết du mục sống rất phóng khoáng và tự do, yêu âm nhạc và nghệ thuật nên khi đi du lịch ở đây luôn mang lại một năng lượng tích cực mà khó có nơi nào sánh bằng được. Dù đã tới đây 2 lần nhưng chắc chắn mình sẽ sớm quay lại lần thứ 3.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn