QUI TRÌNH LÀM VÓC – SO SÁNH VÓC SƠN TA VÀ VÓC SƠN ĐIỀU

QUI TRÌNH LÀM VÓC – SO SÁNH VÓC SƠN TA VÀ VÓC SƠN ĐIỀU

Nhìn vào một tác phẩm sơn mài Việt, ta có thể thấy đó như hội tụ của triết lý phương Đông. Ngũ hành phương Đông có Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Sơn mài viện Thổ, tức là cây sơn và cần những loại đất phù sa tinh khiết ở sông Hồng để làm đều vóc, lại vẽ trên nền gỗ, tức là Mộc. Sơn mài đòi hỏi sự mài liên tục dưới nền nước, lại chỉ có thể khô khi trời rất ẩm, đấy là Thuỷ. Và để bù đắp cho sự thiếu thốn về màu sơn tự nhiên từ cây sơn mài, các thế hệ nghệ nhân đã nghĩ ra những giải pháp từ tự nhiên: đó là thếp vàng, thếp bạc (Kim) và ốp vỏ trứng nướng vào (Hoả). Chính sự hài hoà cùng thiên nhiên đó đã đem đến một vẻ đẹp thâm trầm sâu sắc, đòi hỏi cái nhìn tinh tế của người xem. Nhưng có lẽ, sơn mài thiên về chữ "mộc" hơn cả, bởi nó được vẽ trên tấm vóc, được chọn từ loại gỗ tốt nhất, "mộc" cũng bởi nó chất chứa sự mộc mạc, chân chất của màu sắc, kĩ thuật được truyền lại qua bao lớp thế hệ. 

Đối với sơn mài, tấm vóc không chỉ là nền tảng mà còn là linh hồn của bức tranh. Để tạo nên một tấm vóc thật lắm kì công và cần nhiều kĩ thuật, đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác từng công đoạn. Để có được tấm vóc đen mịn, óng ả người nghệ nhân cũng phải chỉn chu trong mọi công đoạn, làm vóc cũng giống như mài ngọc thô, càng mài càng chăm chút thì càng đẹp. 

Hiện trên thị trường có một số loại vóc để vẽ sơn mài: vóc son (được sơn đỏ), vóc sơn ta và vóc sơn điều. Vóc sơn ta được điều chế từ cây sơn tự nhiên, với đặc tính là trong, mềm, dẻo dai, quánh và bóng. Vóc được làm từ sơn ta có sự bền bỉ đến hàng trăm năm nếu đúng tỉ lệ sơn cũng như sử dụng nguyên liệu chuẩn từ cốt gỗ, sơn sống, sơn chín. Trong quá trình làm vóc sơn ta cũng đòi hỏi độ ẩm, bởi tính chất của loại sơn này cần độ ẩm để khô. Còn vóc sơn điều được làm từ loại sơn công nghiệp có chiết xuất từ vỏ hạt điều. Đặc tính của sơn này ưa khô nóng, cũng có thể nghiền màu tương tự sơn Nhật (sơn tổng hợp) nhưng thành phẩm vóc làm ra giòn và nhanh hỏng bị rộp, chỉ khoảng 30 năm sẽ xuống cấp. Để phân biệt được hai loại vóc trên thị trường ngoài dựa vào màu sắc: vóc sơn ta sẽ có bề mặt bóng, láng mịn còn vóc sơn điều sẽ có ánh xanh. Khi trổ vóc để vẽ sẽ thấy vóc sơn ta sẽ sắc nét hơn, vóc sơn điều giòn, dễ bị vỡ hình. 
Bởi vậy để có được tác phẩm sơn mài trọn vẹn và ưng ý về cả độ bền và mặt nghệ thuật, thường người họa sĩ sẽ phải chọn loại vóc tốt hoặc tự làm vóc để sáng tác, chọn cốt gỗ và đo nồng độ già của sơn...

Qui trình làm Vóc sơn mài truyền thống:

1. Mộc: Là công đoạn xẻ gỗ theo kích thước của tranh. Các loại gỗ làm "Vóc" truyền thống thường dùng như: vàng tâm, mít, lồng mực… đã phơi khô không co ngót, không mối mọt. Ngày nay chúng ta có thể thay thế bằng các loại gỗ ép chất lượng cao.

2. Gắn: Phủ 1 lớp sơn sống lên toàn bộ tấm gỗ đã xẻ và dùng hỗn hợp sơn sống trộn với bột mùn cưa gắn vào những kẽ nứt, chỗ lõm của cốt gỗ. Công đoạn này nhằm làm phẳng và chống ẩm cho cốt gỗ của tấm "Vóc". 

3. Thảo: Dùng sơn sống pha loãng với bột mùn cưa tạo thành hỗn hợp có độ dẻo nhất định, lấy mo sừng phết đều lên tấm gỗ tạo bề mặt kết dính cho tấm "Vóc".

4. Đánh vải: Phủ lên bề mặt gỗ 1 miếng vải sô, lưu ý các thớ của vải phải vuông góc với nhau và vuông góc với cạnh của cốt gỗ. Quét sơn sống lên phía trên, sơn sẽ ngấm vào từng thớ vải, mặt gỗ, khi khô sẽ tạo thành một tấm lưới vừa bền chắc vừa dẻo dai định vị tấm gỗ không cong vênh, nứt vỡ.
5. Bó: Dùng sơn sống trộn với mùn cưa và đất thó tạo thành hỗn hợp mềm, dẻo. lấy mo sừng phết đều theo chiều dọc và ngang lên bề mặt tấm gỗ nhằm tạo lớp đệm cho tấm Vóc.

6. Hom: Trộn đều bột đất phù sa với sơn sống tạo thành hỗn hợp mềm, dẻo để miết đều lên bề mặt tấm Vóc. Lớp sơn này nhằm tạo bề mặt tương đối phẳng cho tấm Vóc.

7. Lót: Khi lớp sơn hom đã khô (khoảng 2 đến 3 ngày sơn sống sẽ khô trong điều kiện tự nhiên), chúng ta phủ 1 lớp sơn sống lên toàn bộ tấm Vóc, đợi khô, mài sơ và tiếp tục phủ 1 lớp sơn sống nữa. 

8. Kẹt vét: Đất phù sa được lọc kỹ trộn đều với sơn sống pha loãng tạo thành hỗn hợp mềm, mịn, miết đều lên bề mặt tấm Vóc, đợi khô, mài sơ và tiếp tục kẹt vét lại 2 lần nhằm tạo độ dày và bề mặt tuyệt đối phẳng và mịn cho tấm Vóc.

9. Thí: Chúng ta dùng sơn chín cánh dán hoặc then quét đều lên bề mặt của Vóc đợi khô rồi mài nước. Công đoạn này lặp đi lặp lại 2 hoặc nhiều lần (sơn chín khô trong điều kiện không khí ẩm).
10. Mài: Là bước cuối cùng tạo bề mặt phẳng tuyệt đối sẵn sàng cho việc vẽ tranh sơn mài.

Bởi trải qua các công đoạn kĩ lưỡng và tỉ mỉ bậc nhất mà sơn mài đã làm nên quốc hồn quốc túy của hội họa Việt Nam. Nghệ thuật sơn mài đại diện cho tính cách dân tộc Việt Nam: Luôn kiên cường trước khó khăn của cuộc đời, mạnh mẽ chống chọi những kẻ ngoại xâm, đồng thời tôi luyện cốt cách ngày càng vững vàng – giống như làm vóc trải qua muôn vàn công đoạn. Làm vóc cũng giống như nền móng của một căn nhà, móng có vững chắc thì nhà mới vững chãi.
----------------------------------------- 
Bài viết có tham khảo nghiên cứu của tác giả Andy Nguyễn trong quy trình làm vóc.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn