HẢI VÂN QUAN CHÍNH THỨC MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH
[Miễn phí cho du khách, từ ngày 1/8/2024]
Hải Vân quan được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), tọa lạc trên đỉnh đèo Hải Vân (Ải Vân, Ngãi Lãnh, Ải Vân Sơn, Ải Lĩnh…), phía Tây núi Hải Vân, chỗ giáp vai giữa hai ngọn Hải Vân Sơn (phía Đông) và Bà Sơn (phía Tây), ở độ cao 496m so với mặt nước biển, thuộc dãy núi Bạch Mã - Hải Vân nằm trên địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (Tp. Đà Nẵng), cách trung tâm thành phố Huế khoảng 90km về phía Nam.
Nhiều thư tịch cổ đã ghi lại vị trí và tầm quan trọng của núi Hải Vân và Hải Vân quan: trong "Dư địa chí" do Nguyễn Trãi biên soạn vào năm 1435, đã nói đến địa danh "Ải Vân", Dương Văn An đời Mạc trong "Ô châu cận lục" (1555), Hòa thượng Thích Đại Sán trong "Hải ngoại ký sự" (cuối thế kỷ XVII), Lê Quý Đôn trong "Phủ biên tạp lục" (cuối thế kỷ XVIII) đều cho biết sự bao la hiểm trở của núi và ải Hải Vân, là một nơi xung yếu trên con đường từ Thuận Hóa đi vào Quảng Nam và đều có cửa ải, đặt binh canh giữ. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử quán triều Nguyễn và nhiều bản đồ xuất bản dưới thời Nguyễn như Thừa Thiên toàn đồ (1832), Đồng Khánh ngự lãm địa dư chí đồ (1886 - 1888), Đại Nam nhất thống chí (Duy Tân năm thứ 3 - 1909) đều ghi rõ, chi tiết vị trí của núi Hải Vân và Hải Vân quan.
👉 Sau thời gian thực hiện trùng tu, từ ngày 1/8/2024, di tích Hải Vân Quan sẽ bắt đầu đón khách tham quan. Đặc biệt, Di tích Hải Vân Quan sẽ miễn phí tham quan cho người dân, du khách cho đến khi thống nhất việc xây dựng bảng giá vé phù hợp.
Photos: Nguyễn Tấn Anh Phong
Cre: Visit Hue